Thật tình cờ và thật bất ngờ, 4 anh em chúng tôi chỉ mới quen nhau vài hôm và có người tôi còn lần tiên gặp gỡ. Chúng tôi vừa kết thúc chuyến du lịch cùng nhau – khám phá một chút về đất nước Campuchia và sau đây là đôi điều cảm nhận sau khi tham quan một vài Startup khởi nghiệp của người Việt trên đất Cam, vài điểm du lịch quen thuộc.
Tôi gặp anh Dương trong một buổi Training tại ATP Software mà tôi có dịp ‘đứng lớp’ trong một phần về Youtube. Sau buổi gặp gỡ, chúng tôi có nói chuyện với nhau thêm nhiều vấn đề về chuyển khởi nghiệp, lập nghiệp và rồi anh ấy rủ tôi sang Campuchia ‘xem họ làm như thế nào’. Sau vài hôm chuẩn bị, đoàn chúng tôi đã phát sinh thêm 2 anh nữa cùng chí hướng – và hôm lên xe chính là lần đầu tiên tôi gặp 2 anh. Và hành trình bắt đầu từ đây. ..
[Skip ads bằng cách chuyển xuống ***. Nhưng mà bạn sẽ bỏ lỡ vài điều thú vị]
- Anh Dương là chủ một chuỗi các cửa hàng thời trang ở Đồng Tháp và đang xây dựng thương hiệu trên nền tảng Online (brano.vn). Nếu mọi người có dịp gặp – cảm nhận đầu tiên sẽ thấy anh ấy rất dễ gần, nói chuyện thoải mái và có trẻ hơn so với tuổi khá nhiều. Anh Dương rất ham học hỏi, đi tới bất cứ đâu có sự lạ anh đều hóng, có gì làm anh đều tận dụng và có bất cứ cơ hội cũng biết cách chớp lấy… Có lẽ chính bởi điều đó mà anh dễ dàng khởi nghiệp và có được những thành quả của mình.
- Anh Tài đang làm chủ 2 cửa hàng đồ da ở Sài Gòn (velisa.vn và lazio.vn) cùng với một vài dự án khởi nghiệp liên quan đến công nghệ. Anh có vẻ điềm đạm, ít nói nhất trong số mọi người. Tuy nhiên anh có một cái nhìn rất tinh tế và am hiểu nhiều về thời trang…
- Anh Phương là người nói nhiều nhất – và gần như đảm nhiệm vai trò chính cho việc thuyết minh, giao tiếp của chúng tôi với thứ ngôn ngữ thập cẩm pha tạp âm thanh, hình ảnh, TÂY – TÀU – VIỆT… kết hợp để đạt được mục tiêu quan trọng như những việc gọi món, đặt xe, đặt phòng… Anh có vẻ khá tất bật với vivugiare.vn – một dự án book vé máy bay trực tuyến. Nếu biết chuyến đi sẽ vật vã như vậy – chắc anh sẽ không đuổi hết nhân viên – ít nhất là cho đến khi đi Campuchia xong về. Hành trình du lịch của anh là giao tiếp với khách hàng và đặt vé máy bay liên tục.
[***]
Nói vậy để biết mấy anh em chúng tôi có vài điểm chung nên mới gặp mà đã đi cùng nhau như vậy. 4 ông đều ĐỘC THÂN, tinh thần, tính cách đều khá thoải mái, ai cũng không quá vướng bận nhiều về công việc và… Chúng tôi đều thống nhất là chuyến đi TÌM HIỂU, NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG LÀ CHÍNH – ĐI CHƠI LÀ PHỤ.
Mục lục
VÀI ĐIỀU CHUNG CHUNG:
Toàn bộ việc di chuyển đi-về đều bằng xe khách. Ngay khi qua bên kia cửa khẩu, những thứ dễ dàng thu hút sự chú ý của chúng tôi đầu tiên là vài Sòng bạc của người Hoa ‘bự chà bá’ ngay cạnh cửa khẩu. Tại Campuchia – cờ bạc được hợp pháp hóa tại các sòng như thế này – và đa phần chủ những sòng bạc là người hoa. Với biển hiệu với chữ Trung, chữ Khmer, tiếng Anh khá dễ nhận biết.
Dọc đường từ cửa khẩu về Phnom Penh, tôi nhận ra một điều rằng những nhà dân ở đây – mặc dù nhà không to lắm – nhưng rất nhiều nhà có Gara ô tô – và trong đó là một chiếc ô tô. Có vẻ như ô tô tại đây không phải thuộc hàng ‘quá cao cấp’ như tại Việt Nam. Hoặc dân ở đây giàu – mà thích làm nhà lụp xụp…
Đến thủ đô Campuchia, nhìn quanh cảnh chung lần đầu thấy cũng CHẢ KHÁC VIỆT NAM LÀ MẤY. Ấy vậy mà khi nhìn kỹ lại thì cũng quá nhiều điểm thú vị mà ở Việt Nam chắc bạn sẽ chẳng bao giờ gặp. Mật độ nhà cao tầng ở đây ít hơn HN hay SG. Kiến trúc với mái nhà truyền thống kiểu Khmer và tượng thần tương đối phổ biến trên đường phố (kiểu như họa tiết hoa sen tại VN vậy)
Trên đường phố, ngoài xe máy, ô tô thì phương tiện khá phổ biến khác là xe Tuk tuk – chúng tôi di chuyển trong thành phố và các điểm đến rất nhiều bằng loại xe này… vì nó rẻ, thoáng và đi đông người thoải mái =)). Tại đây, có thể đặt xe tuk tuk hoặc xe kéo (kiểu như tuk tuk nhưng tự chế bằng xe máy chứ không sản xuất nguyên bản) bằng Grab, chọn lựa phương tiện… đủ để thấy Grab đã thực hiện địa phương hóa linh hoạt và khôn khéo đến thế nào. Bên cạnh Grab, các xe Tuk Tuk và taxi có rất nhiều xe dán logo Pass App – một ứng dụng đặt xe khác mà sau đó tôi Google Search mới biết đó là ứng dụng đặt xe phổ biến nhất Campuchia. Có vẻ như các ông Pass App vẫn có thể chạy song song cho cả Grap. Vì thế chúng tôi cũng chẳng cần cài thêm ứng dụng mà cứ dùng Grab để đặt xe.
Người dân Campuchia vóc dáng cũng chẳng khác Việt Nam là mấy – nhưng không biết do thời tiết hay do gen mà nước da họ hơi đậm màu. Hơi khó để tìm được một bạn nữ nào xinh khi đi đường (vì tiêu chuẩn xinh tại Việt Nam thì thường gắn liền với da trắng).
Ngôn ngữ chính tại Campuchia là tiếng Khmer – gần như tiếng dân tộc khơ-me tại Việt Nam. Có lẽ chúng tôi tiếp cận tại các khu vực du lịch và trung tâm nhiều hơn nên tỷ lệ sử dụng tiếng Anh giao tiếp cơ bản khá nhiều – từ các tài xế tuk tuk cho đến các khu quán ăn. Tưởng chỉ có vậy – nhưng sau đó, trong một cuộc nói chuyện với một bạn Việt Nam qua đó lập nghiệp mới biết được dân Campuchia – lớp trẻ lớn lên sử dụng tiếng Anh khá tốt. Tôi tự cảm thấy hổ thẹn – có lẽ tất cả chúng tôi đều vậy khi mà ăn học bao nhiêu năm tiếng anh mà mấy chữ bập bẹ giao tiếp còn chưa xuôi. Giờ về chắc phải rèn luyện tiếng Anh thêm để sau có dịp đi du lịch cũng đáp ứng được khoản giao tiếp.
Đồ ăn ở đây khá nhiều món giống với Việt Nam – hoặc từ Việt Nam sang – tôi cũng không rõ. Chúng tôi có đi ăn phở, bún, bánh xèo, cơm rang và mấy món ăn kiểu đường phố. Cũng chưa có sự chuẩn bị khá nhiều nên chẳng biết đặc sản ở đó là gì để trải nghiệm. Đồ ăn ở đây đều được niêm yết giá theo Menu nên khó có tình trạng chặt chém. Giá cả cũng tựa như các khu du lịch ở Việt Nam – đắt hơn bình thường.
Bia ở đây phổ biến là bia Angkor, bia Cambodia – uống cũng tựa tựa như bia Hà Nội, bia Sài Gòn (4-5 độ). Ngoài ra có thêm bia đen ABC bia mà chúng tôi có dịp uống thử hơi nặng độ và vị đắng, đậm hơn.
Vì 2 anh đi cùng đều kinh doanh thời trang nên chúng tôi đi dạo và hỏi giá tham khảo các khu chợ, các cửa hàng thời trang khá nhiều. Tôi cũng có dịp hiểu thêm khá nhiều điều về lĩnh vực này.
Dọc các con phố, có những nơi chắc cách nhau cỡ khoảng 700-800m là lại thấy các cửa hàng treo biển Oppo, Huawei… Biển hiệu thường xen kẽ chữ khmer, chữ trung và tiếng Anh ở nhiều nơi. Được biết qua một số lời kể (chưa xác thực được chính xác) – các khu vui chơi giải trí, sòng bạc đa phần là của người hoa hoặc có chủ đầu tư TQ. Thị trường BĐS tại các khu phố lớn bị TQ lũng đoạn dưới nhiều hình thức đẩy giá lên cao, đứng tên người địa phương… Nhìn chung, người Cam vẫn thích người Trung hơn là người Việt…
*Funfact: Bên này có cả cầu Sài Gòn và Xa lộ Hà Nội =))
GHÉ MỘT VÀI CÔNG TY KHỞI NGHIỆP CỦA NGƯỜI VIỆT:
Qua một số mối quan hệ từ trước, chúng tôi có ghé qua văn phòng của một số công ty khởi nghiệp của người Việt tại đây. Trong đó có các bên như cambodiaship.com, mekonglogistics.vn hoạt động trong các lĩnh vực giao nhận, logictic (gồm cả xuyên biên giới các nước Lào, Việt Nam, Campuchia) và một số giải pháp hỗ trợ cho các shop, công ty trong việc quản lý, xử lý đơn hàng… (qua giới thiệu tổng quát mới chỉ biết qua vậy); chúng tôi cũng đến vào gặp gỡ một bên đang triển khai dotienich.com – chuyên cung cấp các mặt hàng tiện ích, phụ kiện…
Qua một vài cuộc trò chuyện kết hợp mày mò tham khảo thông tin được biết dân số Campuchia chủ yếu tập trung nhiều tại các khu vực thành thị, mật độ dân số tại các khu vực tỉnh lẻ vô cùng thưa thớt, hoạt động giao vận, chuyển phát chủ yếu được thực hiện bởi các công ty tư nhân. Hoạt động bán hàng, kinh doanh Online cũng vì thế mà có tính tập trung mạnh ở các khu vực thành thị và các khu vực vùng sâu vùng xa khó có ai hướng đến vì nhiều trở ngại (chứ không có giaohangnhanh, giaohangtietkiem, vnpost, viettelpost tiện như ở Việt Nam). Bên cạnh đó, việc bán hàng Online cũng không quá nhiều như tại trị trường Việt Nam. Nếu so về độ lớn thị trường và mức độ cạnh tranh thì có thể đây vẫn là mảnh đất màu mỡ có thể khai thác. Hy vọng các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh.
MỘT SỐ ĐIỂM ĐẾN VÀ NHỮNG TRẢI NGHỆM TỐT – XẤU:
*Phnom penh:
- Chợ Nga: Hơi tò mò khi lại xuất hiện cái tên chợ Nga trong khi nó được xây dựng bởi người Pháp trong khi bị Pháp chiếm đóng. (Sau tra Google mới biết là những người Nga thời đó thích đến mua hàng ở đây nên xuất hiện tên này). Nổi bật với kiến trúc tại khu trung tâm với mái vòm lớn dễ dàng nhận diện và vô cùng ấn tượng khi vào bên trong. Trong vòm là khu buôn bán chủ yếu là đồng hồ, đồ trang sức. Các khu lân cận bán đủ thể loại và cũng hao hao Việt Nam. (Tất nhiên là ngoại trừ những đồ lưu niệm đậm chất Campuchia mà chỉ ở đây có)
- Bảo tàng Diệt chủng – nhà tù an ninh S21: Tại đây chúng tôi có dịp tham quan khung cảnh nhà tù và trải nghiệm hành trình du lịch bằng âm thanh (đại khái là mọi người sẽ thuê 1 tai nghe và bộ đàm – rất may là có tiếng Việt). Mọi người sẽ đi theo các điểm hướng dẫn và nghe lời kể về các câu chuyện liên quan đến các địa điểm, xem các hình ảnh và vật dụng, di tích tại nhà tù. Một cách kể chuyện rất ấn tượng, chi tiết. Những bài học lịch sử và những trải nghiệm vô cùng chân thực. Đây là một cách mà Campuchia nhắc cho cả thế giới, tất cả du khách từ mọi phương sẽ mang theo những cảm xúc, những câu chuyện từ Campuchia và nhà tù S21 khi nhắc đến tội ác của Khmer Đỏ – ‘để những chuyện như thế này sẽ không bao giờ xảy ra.’ (nguyên văn trong Audio)
- Chúng tôi cũng có dịp đến và tham quan bên ngoài một số địa điểm như Cung điện hoàng gia và một vài địa điểm lân cận với nét kiến trúc độc đáo của Campuchia. (Một số nơi không được vào vì được phân chia theo ngày)
- Dành chút thời gian ghé sòng bạc Casino Nagaworld: Đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào sòng bạc (may quá – không có tiền để đánh bạc, chỉ vào ngó nghiêng thôi). Chẳng biết dùng từ nào để mô tả cho phù hợp – nguy nga, lộng lẫy – cũng có thể gọi vậy… Nó trông như những cảnh trong phim thần bài với nhiều khu – nhiều trò chơi bài bạc khác nhau. (Duy chỉ có điều không phải các tiếp tân, người chia bài nào cũng xinh và chuẩn như phim). Âm thanh, màu sắc, ánh sáng, mùi hương… tất cả mọi thứ ở đây được thiết kế để một người bước vào không muốn bước ra (chắc chỉ khi hết tiền – hoặc không có tiền để nán lại lâu). Mọi hành động sử dụng camera, quay phim, chụp ảnh ở đây đều bị cấm với đội ngũ nhân viên bảo vệ tương đối chằng chịt, các máy quay bố trí khắp trần và mọi người vào đây đều qua các bước kiểm tra an ninh chặt chẽ.
*Siem Reap:
Hết 2 ngày, chúng tôi đến Siem Reap bằng một chuyến xe đêm. May mắn là khi dừng chân tại bến xe, chúng tôi có ghé một quán ăn ngay gần đó và được gặp một ông chú người gốc Hoa nhưng nói khá tốt tiếng Việt. Chú kể ngày trước chạy nạn Khmer Đỏ, chú chạy sang Việt Nam từ bé và sống ở đây mười mấy năm. Sau đó chú giúp chúng tôi khá nhiều trong việc hướng dẫn các địa điểm, đặt vé, đón xe, ăn uống… Trước ngày về chúng tôi cũng ghé quán chú để ăn tối và nói chuyện thêm nhiều điều.
1. Biển hồ và người Việt ở biển hồ: Biển hồ Campuchia (Tonle Sap) là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Chúng tôi đến đây vào mùa này chắc là mùa khô nên được biết nước tại đây chỉ có độ sâu trung bình khoảng 1m ( hơi bất ngờ – nhưng chính xác là chỉ có vậy) – nước khá nông và đục ngầu do các thuyền chở khách di chuyển tại đây quá đông. Chúng tôi mua mỗi người 1 vé 10$ và có một con thuyền nhỏ, 1 lái thuyền và một hướng dẫn viên thông thạo tiếng Anh đi cùng. Biết chúng tôi là người Việt Nam, anh giới thiệu khu vực này rất nhiều người Việt sinh sống. Anh ấy chỉ cho chúng tôi các khu nhà nổi của người Việt, ngôi trường học cho trẻ em nghèo của người Việt và gợi ý rằng nếu đến đó thì nên quyên góp bằng gạo, thức ăn thay vì ủng hộ tiền. Đi được một đoạn, chúng tôi dừng ở lại tại một căn bè nổi để xem chuồng nuôi cá sấu, sau đó trở về và ghé qua mua một bì gạo để quyên góp ủng hộ trường học. Khi đến ngôi trường (một con thuyền) tôi để ý tại đây cũng có thùng nhận quyên góp từ thiện… khả năng cao là mình vừa bị anh Cam kia cho một hớ… khi mà bì gạo anh kia bán với giá khá cao… thay vì mua gạo, có lẽ nếu chúng tôi đưa tiền quyên góp có thể đồng tiền sẽ được sử dụng với mục đích đúng hơn, thay vì rơi vào tay của những thương gia, lái buôn ăn lời cao tại đây… Và không biết sẽ có bao nhiêu người Việt tời tham quan sẽ bị một cú lừa ngoạn mục như chúng tôi…
Nói chuyện với một cậu bé (các bé ở đây đều nói được cả tiếng Việt, cả tiếng Cam) tôi được biết các em sẽ chỉ học đến lớp 6. Tôi hỏi, vì sao lại như vậy? – Vì nhà trường chỉ có đến lớp 6 – cậu bé đáp. Thế đấy, có những câu hỏi mà đáp án của nó chỉ vỏn vẹn vậy thôi – Nhiều người sẽ bảo tôi – ‘Có thế mà cũng hỏi’ – tưởng chừng như nó quá đơn giản nhưng trong tâm thức của tôi học hết lớp 6 rồi tiếp lên lớp 7 là một chuyện quá bình thường… Vậy mà tại đây nó lại trở thành chuyện bất thường như thế… Rồi những cậu bé, cô bé này sẽ ra sao? Kết thúc chương trình ở trình độ cơ bản đủ để đọc viết, tính toán và quay trở lại với cuộc sống làng chài nơi biển hồ mà không biết bao giờ ổn định và bớt phụ thuộc vào thời tiết và những khoản trợ cấp từ chính phủ, quỹ từ thiện, khách du lịch… ?
Trước lúc rời đi, một trải nghiệm khiến tôi không mấy thiện cảm với người dân nơi đây… vài con xuồng, người đàn bà mang theo mấy đứa nhỏ bám víu con xuống máy chúng tôi đang nổ máy giọng thảm thiết kêu gào “Chú ơi, cho xin mấy đồng cho đủ cân gạo đi chú!”, rồi bà ấy liên tục kêu gào, đeo bám không buông con xuồng ra… Tôi chẳng còn lạ lẫm gì những cảnh như thế hoặc đại loại vậy tại những nơi du lịch trong nước đã từng đi qua. Nơi mà người ta dùng sự nghèo khổ của mình ra thành một thứ “đặc sản” để làm du lịch. Rồi cái điều đó sẽ được lặp đi lặp lại hàng chục lần mỗi ngày, lặp lại từ ngày này qua ngày khác để biến nó thành một cái nghề và chẳng còn thiết tha gì với lao động chân chính – sử dụng chân tay, đầu óc của mình để mà làm việc.
Tôi chỉ biết lặng lặng quay đi, im lặng không nói gì… Cái cảnh tượng đó nó khiến người ta day dứt, cảm thương, bất lực, áy náy… chẳng biết mô tả thế nào. Nhưng chắc hẳn cảm giác xấu hổ nó hiện lên rõ ràng nhất… bởi cái người ta đem ra để lợi dụng cầu xin lòng thương cảm của người không chỉ là sự khó khăn, túng quẫn mà trong đó là cả tình đồng bào, giọng nói dân tộc… nếu đó là một cậu bé, một người mẹ Campuchia đthì nó sẽ khác – rất khác (không phải phân biệt gì đâu) – nhưng đó là đồng bào đấy, đang cầu xin mình bằng tiếng Việt đấy, kêu gào thảm thiết đấy… Làm sao đây…?
Tôi chỉ biết quay đi và thở dài… Nếu có dịp, không biết tôi có còn muốn quay lại nơi đây thêm một lần nữa không?
Khi rời thuyền chuẩn bị lên xe ra về, chúng tôi còn nhận được thêm một bất ngờ nữa. Một vài cô bé cầm theo những chiếc đĩa lưu niệm có in hình mỗi chúng tôi – IN HÌNH GƯƠNG MẶT MỖI NGƯỜI TRÊN ĐĨA – chạy theo đưa món quà lưu niệm với giá 5$/ chiếc. Nhưng chúng tôi đâu có yêu cầu – và cũng chẳng biết là mình đã bị chụp hình lúc nào.
Lúc đó mới chợt nhớ ra, trước lúc lên thuyền một người đàn ông đứng trước cầu với một chiếc máy ảnh chụp hình mọi người khách đi qua. (Lúc đó tôi còn nghĩ là để đảm bảo công tác an ninh hay lỡ may có thất lạc còn tìm kiếm gì đó! Nghĩ rằng bên này chu đáo thật!). Không ngờ ổng chụp hình để làm trò này… Đẩy người ta vào một tình huống khó xử – “Ảnh mình đã in trên này rồi, không lấy thì biết để cho ai? Đĩa đã in xong xuôi rồi, nếu không thì ảnh của mình cũng bị vứt đi trong một đống rác – hay có gì đó còn nghiêm trọng hơn – kiểu như bùa ngải… blabla… – thôi trông cũng đẹp đấy chứ – thôi lấy đi, đằng nào cùng là ảnh mình” >> chắc nhiều người sẽ nghĩ vậy… Và sẽ có hàng nghìn chiếc đĩa được bán đi như vậy mỗi ngày với một mức giá vô lý. Còn tôi thì nó chỉ cho tôi thêm một lý do để không bao giờ tôi muốn quay lại Biển Hồ một lần nữa.
2. Angkor Wat, Angkor Thom: Những quần thể thành trì bằng đá của các đế chế được xây dựng cách đây hàng nghìn năm. Quá nguy nga, hùng vĩ và LEO MỎI HẾT CẢ CHÂN. Những gì thấy được qua mô tả trên phim ảnh chắc mới chỉ lột tả được một phần vậy nên nếu có cơ hội hãy tìm đến trải nghiệm. Khó để có thể mô tả một cách chân thực và có lẽ sự khám phá trực tiếp sẽ thú vị hơn rất nhiều… Và xin mượn lời Đen Vâu chế ra để kết lại “Xung quanh anh toàn là đá, ay…”
P/s: Nếu bạn là một người hay lẫn như mình thì hãy luôn nhớ một điều: Angkor Wat với dạng kiến trúc tháp nhọn, chia bậc, chia tầng và được in trên cờ Campuchia. Còn Angkor Thom cũng ở trong quần thể gần đó, mỗi tháp là hình tượng đầu người 4 mặt. (Thực sự thì sau khi đến mình mới biết sự tồn tại của Ankor Thom)
MỘT VÀI TIP NHỎ KHI DU LỊCH CAMPUCHIA:
Giá phòng khách sạn tầm trung tương đối ok – Khoảng 25$/ đêm. Đặt phòng qua booking.com để chọn được điểm tốt
Di chuyển bằng Tuk Tuk khá ổn, giá rẻ hơn Taxi, nắng có che, mưa cũng có thể kéo rèm lại. Gió mát, thông thoáng. Ngại bụi thì đeo thêm khẩu trang.
Mua sim có 3G, 4G tại biên giới đủ gọi thoải mái trong mấy ngày. Dùng internet vô tư. Nhớ nhờ người bán cài và kích hoạt cho vì tổng đài họ khác VN
Nên lập quỹ dự kiến chung và dự phòng dư ra nhiều hơn thường lệ vì rút tiền tại cột với thẻ visa ở đây khá mắc.
Ăn uống đều có giá trên menu, khỏi lo chặt chém