Trong bài viết này mình sẽ không đề cập đến yếu tố kỹ thuật và cách thức tạo, chỉnh sửa chú thích như thế nào. Vì tất cả đã có trong: Google Support . Thay vào đi hướng dẫn lại những điều đó, mình khuyên các bạn nên lên đó để tìm hiểu và làm theo – tuân thủ nó như một trong những bước tối ưu cho video sau khi upload và nó sẽ cho bạn kết quả bất ngờ. Vậy bạn cần gì phải đọc bài viết này nữa?
Hãy khoan – Google đã có hướng dẫn cho bạn cách làm, còn bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách làm đúng nhất, khai thác tối đa hiệu quả mà thẻ và màn hình kết thúc mang lại.
Mục lục
1. Đầu tiên, hãy nói về thẻ (card)
Bạn có thể sử dụng thẻ để thêm tính tương tác cho video của mình. Thẻ có thể trỏ người xem đến URL cụ thể (từ danh sách các trang web đủ điều kiện) và hiển thị các hình ảnh, tiêu đề, lời gọi hành động tùy chỉnh tùy theo loại thẻ.
Và nếu đây là lần đầu tiên bạn tiếp cận với khái niệm này thì hình ảnh dưới đây là hình ảnh thể hiện cách thức mà thẻ xuất hiện trên video khi bạn thêm vào.
Mỗi video bạn chỉ có thể thêm được tối đa 5 thẻ. Và trong 5 thẻ đó có 4 loại thẻ sau đây cho bạn chọn lựa.
- Thẻ kênh
- Thẻ liên kết
- Thẻ thăm dò ý kiến
- Thẻ video hoặc danh sách phát
Thẻ kênh: Thẻ này được sử dụng để đặt liên kết đến một kênh khác. Bạn có thể dùng nó để đặt liên kết đến một kênh khác – có thể là kênh phụ của bạn – kênh cộng tác, hợp tác sản xuất nội dung hoặc kênh mà bạn đang đề cập đến trong nội dung video.
Thẻ liên kết: Cho phép bạn liên kết đến một trang web được phê duyệt. Điểm hạn chế của thẻ này là bạn phải sở hữu website và cần thực hiện một số bước thao tác kết nối.
Tuy nhiên, không nhiều bạn sở hữu website riêng và cũng chưa tận dụng tối đa được thẻ này.
Chúng ta sẽ có một bài viết khác hướng dẫn đầy đủ và chi tiết hơn cho phần này liên quan đến tối ưu chuyển đổi traffic từ youtube sang website. Nếu bạn sợ rằng sẽ bỏ lỡ mất điều này, vui lòng cmt lại email của bạn ngay dưới bài viết trên web. Mình sẽ gửi đến bạn các nội dung hữu ích nhất cho việc phát triển Youtube.
Thẻ thăm dò ý kiến: Là cách thức hữu hiệu để bạn tương tác với người xem bằng cách trình bày với họ cuộc thăm dò ý kiến, cho họ các lựa chọn để họ bỏ phiếu cho các tùy chọn khác nhau. Bạn cũng có thể thu thập thông tin này cho các cuộc khảo sát để cải thiện chất lượng, cách thức làm video, góp ý phát triển hoặc liên kết với một nhãn hàng để tạo các cuộc khảo sát về sản phẩm…
Thẻ video hoặc danh sách phát: Nếu xem lại tiêu đề, có vẻ như trong 4 chọn lựa này, chỉ có chọn lựa này sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu làm tăng thêm lượt xem cho kênh của mình. Việc sử dụng thẻ này giúp khán giả của bạn sẽ có những lựa chọn cho video sẽ xem tiếp theo. Khi bạn đang sản xuất các video dưới dạng series, nhiều phần, nhiều tập. Hãy đưa tất cả video vào một danh sách phát, sau đó sử dụng thẻ chứa danh sách phát cho mỗi video trong danh sách để tạo ra gợi ý giúp người xem chuyển tới xem toàn bộ danh sách phát một cách dễ dàng.
Như vậy, người xem – bằng một cách nào đó có thể tiếp cận với một video bất kỳ, nhưng sau đó được chuyển đổi và xem toàn bộ danh sách phát giúp tăng số view của bạn một cách đáng kể.
Với các thẻ video, hãy lựa chọn những video có liên quan đến nội dung của video hiện tại để thêm thẻ. Điều đó giúp bạn tăng tỷ lệ chuyển đổi để có lượt xem tiếp theo.
Còn vị trí đặt thẻ – thời điểm để thẻ xuất hiện trong video thì sao?
Tất nhiên rằng thời điểm xuất hiện thích hợp nhất (nếu có thể) chính là thời điểm nội dung thẻ đó được đề cập đến trong video.
Chẳng hạn như bạn đang gửi lời cảm ơn đến kênh ABC nào đó vì đã hợp tác cùng bạn sản xuất nội dung này, ngay lúc đó – thẻ về kênh đó xuất hiện thì còn thời điểm nào thích hợp hơn…
Cũng cần lưu ý về khoảng cách giữa các thẻ. Bạn nên kéo dàn đều ra để tránh trường hợp các thẻ đè chống lên nhau hoặc xuất hiện cùng 1 lúc.
2. Còn với màn hình kết thúc thì sao?
Với tính năng này, video của bạn phải dài ít nhất 25s thì mới có thể thực hiện được.
Tính năng màn hình kết thúc cho phép bạn chèn vào trong khoảng tối đa là 20s cuối cùng của clip các thành phần đề xuất cho người xem chuyển tới thực hiện một hành động nào đó. Điều này tương đối giống với thẻ – tuy nhiên, màn hình kết thúc có cách hiển thị trực quan hơn, tối ưu hơn và dễ dàng chuyển đổi (nếu bạn biết tối ưu).
Các loại phần tử đề xuất cho màn hình kết thúc gần giống với thẻ gồm các yếu tố như:
- Video hoặc danh sách phát
- Đăng ký: Quảng cáo cho việc đăng ký kênh của bạn
- Kênh: Thực hiện quảng bá cho một kênh khác
- Liên kết: Liên kết đến một trang web được phê duyệt
Lời khuyên khi lựa chọn các phần tử cho màn hình kết thúc.
- Nên lựa chọn 3 phần tử cho màn hình kết thúc để đảm bảo có được kích thước tối ưu cho việc hiển thị.
- Mặc định đề xuất đăng ký kênh của bạn là lựa chọn với mọi video
- Nếu video của bạn nằm trong một series, nội dung nhiều tập…
Nên tạo danh sách phát cho toàn bộ series và cho màn hình kết thúc đề xuất cho danh sách phát đó ở mỗi video (tương tự như với thẻ) - Nếu lựa chọn để xuất là một video khác, hãy chọn lựa video có liên quan đến nội dung chủ đề đó.
- Liên quan đến việc sản xuất nội dung. Rõ ràng việc thêm màn hình kết thúc ở cuối video sẽ che khuất đi nội dung video ở những khoảng thời gian cuối cùng – Điều này khiến khán giả vô cùng khó chịu, xem nội dung trên video không được trọn vẹn ở những giây cuối cùng.
Vì vậy, ngay từ lúc sản xuất, tạo video – bạn nên lường trước được điều này – Hãy tạo ra khoảng 20s ở cuối cùng cho outro hoặc một phần nội dung giới thiệu video tiếp theo. Khi đó, khán giả có thể thưởng thức trọn vẹn nội dung chính từ clip và có thêm thời gian để lựa chọn, ra quyết định click chọn các màn hình kết thúc mà bạn gợi ý.
Tạm kết
Có thể bạn từng tìm mọi cách để video được đề xuất tại một nơi nào đó trên youtube, đề xuất trang chủ, đề xuất sau video khác… Nhưng giờ đây, Youtube đã cho phép bạn thực hiện những điều đó một cách đơn giản bằng thẻ và màn hình kết thúc. Bạn có thể coi đây như một “lợi thế sân nhà” bởi giờ thì bạn có thể phần nào tác động trực tiếp đến việc khán giả sẽ ra quyết định xem video nào tiếp theo.
Việc cân nhắc, lựa chọn các yếu tố phù hợp như bài hướng dẫn trên sẽ góp phần giúp bạn tăng tỷ lệ chuyển đổi, tăng tỷ lệ click vào thẻ và màn hình kết thúc. Nếu bạn thực hiện tốt những điều này, hiệu quả từ nó tạo ra không hề nhỏ chút nào nào đâu.
(Bạn có thể điều khiển khán giả quay vòng xem những video chỉ trong kênh bạn mà thôi!)
Các bạn đang xem nội dung trong series các bài viết thuộc chủ đề tối ưu các thành phần siêu dữ liệu [metadata] cho một video trên Youtube. Các bạn vừa xem xong bài viết thứ 4 – Nếu bạn đang quan tâm và muốn đọc toàn bộ series này thì truy cập vào link sau nhé!
Bài viết của tác giả Vi Đình Nghĩa – Marketer & Creator
| Admin Độc Đáo TV | QuangcaoYTB.com |